Search

TRẢI NGHIỆM "XUẤT NGOẠI" CỦA SINH VIÊN NĂM 3 KHOA CNTP

Trở về sau kỳ thực tập ngắn hạn tại Đức, sinh viên Sử Chấn Minh Châu, hiện đang học ngành Kỹ thuật hoá học (khoá 63), Khoa Công nghệ thực phẩm có bài chia sẻ thú vị:

"Mùa hè năm 3 của mình vô cùng đặc biệt vì mình đã hoàn thành một khóa trao đổi sinh viên tại trường Ostfalia University of Applied Sciences, Đức. Qua hành trình này, mình và các bạn đã được tiếp thu rất nhiều kiến thức cũng như trải nghiệm văn hoá thú vị ở nước bạn.

 

 Chương trình trao đổi sinh viên lần này của REVFIN (Prevention, reduction and recycling of fishnet pollution in Vietnamese coastal waters - Ngăn ngừa, hạn chế, và tái chế rác thải ngư cụ gây ô nhiễm các vùng biển Việt Nam) do CHLB Đức tài trợ đã cho mình cơ hội rất đặc biệt khi được học tập, trải nghiệm và sinh hoạt tại đất nước Đức xinh đẹp. Trải qua 1 tháng học những kiến thức online và 1 tháng học tập trực tiếp tại Đức, mình không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Thế nhưng, bạn bè và mọi người ở đây đều vô cùng thân thiện, đáng yêu và hỗ trợ nhau hết mình. Thầy cô luôn sẵn sàng hướng dẫn và giúp đỡ chúng mình, tạo điều kiện cho chúng mình được tham quan và trải nghiệm hết mức có thể. Được đi đến vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới, và có những trải nghiệm mới đã khiến bản thân mình trưởng thành và tự lập hơn trước rất nhiều.

TRẢI NGHIỆM "XUẤT NGOẠI" CỦA SINH VIÊN NĂM 3 KHOA CNTP

 Với khóa học online, mình đã được tiếp xúc với lý thuyết của các quá trình xử lý polymer, quản lý môi trường, các thuyết bảo tồn môi trường, có cái nhìn đầy đủ và toàn diện về quá trình xử lý một chiếc lưới đánh cá cũ để tạo ra một sản phẩm hữu ích có thể sử dụng trong đời sống; và cả nội dung của một khóa học truyền thông. Để rồi khi sang tới Đức, mình được quan sát quá trình cắt nhỏ lưới đánh cá để làm nguyên liệu đầu vào cho máy ép đùn, từ máy ép đùn chúng mình được điều chỉnh thông số, dòng chảy qua máy cắt để thu được hạt granulate để làm nguyên liệu cho máy ép phun. Máy ép đùn bên này to lắm, có tới 3 đầu đùn để tạo ra 3 dòng nhựa chảy riêng biệt, cũng bởi thế, chúng mình cũng gặp khó khăn hơn trong việc điều chỉnh thông số và tách các dòng nhựa để không bị dính lại với nhau. Mình được quan sát, được cầm nắm, được tặng sản phẩm do chính chúng mình được học và tạo ra nữa. Đối với khóa học truyền thông, mình được khám phá studio, được học chụp ảnh, học edit, học cách lên kế hoạch truyền thông và thống kê các thông số fanpage để có hướng điều chỉnh nội dung cho phù hợp. Ngoài việc học, mình còn được đi du lịch, đi ngắm các địa điểm nổi tiếng trong thành phố mình ở và cả các vùng xung quanh, được thưởng thức các món ăn đặc trưng, được đi tàu điện ngầm siêu nhanh, có cơ hội khám phá đất nước CH Séc trong vòng 24 tiếng, …

Với mình, đây thực sự là một cơ hội quý báu, một trải nghiệm đáng nhớ, là một dấu ấn đặc biệt trong suốt 4 năm học đại học của mình. Để rồi, một ngày, khi nhìn lại, mình sẽ cảm thấy tự hào và nhớ biết bao khoảnh khắc mà mình đồng ý tham gia vào dự án REVFIN. Mình xin gửi một lời biết ơn chân thành đến thầy cô, anh chị đã tạo điều kiện và hỗ trợ mình rất nhiều trong suốt dự án. Và một lời cảm ơn sâu sắc đến dự án REVFIN vì ý nghĩa to lớn mà dự án mang đến cho cộng đồng. Mong rằng dự án sẽ ngày càng được lan toả rộng rãi hơn đến với mọi người và đạt được nhiều thành công, đạt được nhiều mục tiêu ban đầu mà dự án được thành lập".

Một số hình ảnh

TRẢI NGHIỆM "XUẤT NGOẠI" CỦA SINH VIÊN NĂM 3 KHOA CNTP

  • Chia sẻ

Bài viết trước

Công nhận đào tạo bậc Tiến sĩ ngành Công nghệ thực phẩm, Đại học Nha Trang